Tháng tám 26, 2021
Các kiểu thùng xe tải phổ biến và quy định về thùng xe mới nhất

Thùng xe tải là phần quan trọng trên chiếc xe, được cấu thành từ các vật liệu khác nhau. Bạn có thể tham khảo một số thùng xe tải được sử dụng phổ biến trên thị trường: thùng lửng, thùng bạt, thùng lửng gắn cần cẩu, thùng kín,… Để thùng xe tải lắp trên phương tiện đủ điều kiện tham gia giao thông thì cần tuân thủ một số yêu cầu theo Thông tư 42/2014 do Bộ Giao thông vận tải ban hành: kích thước giới hạn cho phép, chiều dài đuôi xe, khối lượng toàn bộ, thể tích chứa hàng, chiều cao,…

Mục lục

Các loại thùng xe tải phổ biến

Thùng xe tải là phần rất quan trọng trên chiếc xe, được cấu thành từ nhiều vật liệu khác nhau. Ngoài việc mua phương tiện kèm thùng xe tải có sẵn, bạn có thể lựa chọn xe không thùng và thuê đơn vị bên ngoài để đóng theo yêu cầu. Dưới đây là một số thùng xe tải được sử dụng phổ biến trên thị trường mà bạn có thể tham khảo.

Xe tải thùng lửng

Xe tải thùng lửng là loại khá phổ biến trên thị trường với thiết kế phần thùng hở ở phía trên. Xe được sử dụng để chở một số loại hàng nhất định: sắt tấm, dây điện, ống nước, các loại vật liệu dùng cho công trình/xây dựng,… Ưu điểm của loại xe này là chi phí đóng thùng rẻ, dễ dàng nâng, hạ, xếp hàng hóa và vệ sinh. Tuy nhiên, xe tải thùng lửng không phù hợp để đi đường dài và che chắn hàng hóa khỏi mưa, nắng.

Phía trước của xe tải thùng lửng Wuling được lắp ráp bởi Công ty TNHH Ô tô TC Việt Nam

Phía trước của xe tải thùng lửng Wuling được lắp ráp bởi Công ty TNHH Ô tô TC Việt Nam

Phía sau của xe tải thùng lửng Wuling được lắp ráp bởi Công ty TNHH Ô tô TC Việt Nam

Phía sau của xe tải thùng lửng Wuling được lắp ráp bởi Công ty TNHH Ô tô TC Việt Nam

Xe tải thùng lửng gắn cần cẩu

Loại xe này được gọi là xe tải cần cẩu, xe tải gắn cẩu tự hành có chức năng vận chuyển và nâng, hạ hàng hóa. Xe tải thùng lửng gắn cẩu được sử dụng phổ biến ở các bến cảng, công ty, kho bãi,… Cần cẩu được gắn trên trần xe tải thông thường, có tác dụng nâng, hạ hàng hóa. Cần cẩu lắp trên xe có nhiều loại, công suất và tải trọng khác nhau. Tùy vào từng mẫu xe và nhu cầu sử dụng, bạn có thể lắp loại cần cẩu phù hợp. Ưu điểm của xe tải thùng lửng gắn cẩu là dễ nâng, hạ hàng hóa nặng mà sức người không bê, vác được. Tuy nhiên, giá thành mua xe ban đầu cao và được sử dụng để vận chuyển các mặt hàng cồng kềnh, có khối lượng lớn: cây, sắt, thép,…

Xe tải thùng bạt

Xe tải thùng bạt còn gọi là xe tải có mui, thùng mui phủ bạt được nhiều người lựa chọn vì sự tiện ích khi chở hàng. Xe có kết cấu đơn giản gồm phần dưới giống thùng lửng, bên trên được lắp khung ốp inox hoặc tôn và phủ bạt. Xe tải thùng bạt có thể vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau, giá thành đầu tư thấp, thay bạt bằng cần cẩu khi cần sử dụng. Mặc dù vậy, bạt của thùng xe tải rất dễ rách khi va quệt vào cành cây lúc di chuyển trong đường hẹp, không thể chở các loại hàng cần chống nước.

Xe tải thùng kín (bảo ôn)

Đây là loại xe có thiết kế thùng kiểu hộp kín, cửa dạng container ở phía sau và ngách ở bên trái thùng (nếu nhìn từ phía trước đầu xe). Thùng xe tải này được sử dụng để vận chuyển hàng hóa an toàn mà không cần lo lắng đến thời tiết. Thông thường, xe thùng kín là dạng bảo ôn vì ở giữa vách trong, ngoài được lót thêm lớp xốp để cách nhiệt và âm. Vật liệu dùng làm vách cho thùng bảo ôn rất đa dạng gồm inox 430, inox 201, inox 304, tôn,… Phần khung xương được làm bằng sắt hộp, sắt mạ kẽm hoặc inox. Thùng xe tải loại này dạng kín nên không phù hợp để chở động vật hoặc các mặt hàng nặng, cồng kềnh. Xe tải thùng kín thường được các công ty vận tải lựa chọn: Giaohangtietkiem, Viettel,… vì đảm bảo an toàn cho hàng hóa khi vận chuyển.

Xe tải thùng đông lạnh

Xe tải thùng đông lạnh được gọi là xe đông lạnh và sử dụng phổ biến trong ngành dược, thực phẩm, linh kiện điện tử hoặc bảo quản hàng hóa ở nhiệt độ thấp. Bạn cần dựa vào tải trọng để mua xe tải thùng đông lạnh phù hợp với mục đích sử dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xe tải thùng đông lạnh được thiết kế để vận chuyển các loại hàng hóa yêu cầu nhiệt độ ổn định. Thùng được lắp điều hòa để điều chỉnh nhiệt độ bên trong. Vách của thùng xe tải đông lạnh dày, cách nhiệt tốt nhằm giảm tối thiểu ảnh hưởng từ môi trường xung quanh đến hàng hóa. Tuy nhiên, mức giá đầu tư xe cao và bạn phải thường xuyên kiểm tra điều hòa trong thùng để đảm bảo nhiệt độ ổn định cho hàng hóa khi vận chuyển.

Bạn phải thường xuyên kiểm tra điều hòa của thùng xe tải đông lạnh để đảm bảo nhiệt độ ổn định cho hàng hóa bên trong

Bạn phải thường xuyên kiểm tra điều hòa của thùng xe tải đông lạnh để đảm bảo nhiệt độ ổn định cho hàng hóa bên trong

Xe tải thùng chở gia cầm

Ngày nay, xe tải thùng chở gia cầm rất phát triển vì nhu cầu vận chuyển thực phẩm tươi sống cao. Xe chở gia cầm được chia làm 2 loại:

Xe chở gà, vịt lớn

Loại xe này có thiết kế khá đơn giản, gần giống như xe tải thùng bạt nhưng chỉ có khung xương mà không cần phải ốp vách hoặc che bạt. Xe tải chở gia cầm (gà, vịt lớn) còn được gọi là xe tải thùng thoáng.

Thùng xe tải chở gà, vịt lớn chỉ cần khung xương mà không phải ốp vách hoặc che bạt

Thùng xe tải chở gà, vịt lớn chỉ cần khung xương mà không phải ốp vách hoặc che bạt

Xe chở gà, vịt giống

Loại xe này có thiết kế giống với xe tải thùng kín nhưng 4 vách được dập khe thoáng giống như cửa kính chớp. Xe chở gà, vịt giống có giá thành cao hơn xe chở gà, vịt lớn vì thùng có quy cách gia công khó, mất nhiều thời gian.

Xe tải thùng chở gia súc

Đây là loại xe được tìm mua rất nhiều. Thùng xe tải được thiết kế đa dạng từ 1, 2, 3 và có thể lên đến 4 tầng, lắp bửng để nâng, hạ đưa vật nuôi lên các tầng khác nhau. Bạn phải tính toán đến chất lượng và độ bền của thùng xe tải khi chở gia súc vì ở trên phương tiện có nước tiểu mặn. Thông thường, thùng xe tải chở gia súc được làm bằng inox 201 hoặc 304.

Quy định về thùng xe tải mới nhất theo Thông tư 42/2014 – Bộ Giao thông vận tải

Theo Điều 4, Thông tư số 42/2014/TT-BGTVT quy định:

Kết cấu của thùng xe tải

“Thùng xe phải có kết cấu vững chắc, đảm bảo an toàn cho hàng hóa được chuyên chở, có sàn, các thành thùng phía trước, bên cạnh và phía sau. Thùng xe không được có các kết cấu để lắp được các chi tiết, cụm chi tiết dẫn tới việc làm tăng thể tích chứa hàng. Đối với thùng hở của loại sơ mi rơ moóc tải được thiết kế để chở hàng hóa và chở được công-ten-nơ thì còn phải bố trí các khóa hãm công-ten-nơ.”

Những yêu cầu cần tuân thủ sau khi lắp đặt thùng lên xe

“a) Kích thước giới hạn cho phép của xe phải tuân thủ quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2011/BGTVT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô”, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 11:2011/BGTVT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật đối với rơ moóc và sơ mi rơ moóc”.

Ngoài ra, đối với xe tự đổ, xe tải thì chiều dài toàn bộ của thùng xe phải tuân thủ yêu cầu về chiều dài toàn bộ của xe (L) theo quy định tại Phụ lục II của Thông tư này.

b) Chiều dài đuôi xe (ROH) không lớn hơn 60% của chiều dài cơ sở tính toán (WB) xác định theo nguyên tắc quy định tại Phụ lục III của Thông tư này.

c) Khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của xe và sự phân bố khối lượng trên các trục xe sau khi đã lắp thùng xe được xác định theo nguyên tắc quy định tại Phụ lục III của Thông tư này.

d) Khối lượng phân bố lên vị trí chốt kéo (kingpin) của sơ mi rơ moóc tải, kể cả sơ mi rơ moóc tải chở công-ten-nơ (trừ loại sơ mi rơ moóc tải chở công-ten-nơ có chiều dài toàn bộ nhỏ hơn 10m) phải đảm bảo không nhỏ hơn 35% khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông đối với sơ mi rơ moóc tải có tổng số trục từ ba trở lên; không nhỏ hơn 40% khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông đối với sơ mi rơ moóc tải có tổng số trục bằng hai.”

Chiều cao của thùng xe tải (Ht)

Chiều cao của thùng xe “phải tuân thủ quy định tại Phụ lục II của Thông tư này”.

Thể tích chứa hàng của thùng xe tự đổ

Thể tích được “xác định theo các kích thước hình học bên trong lòng thùng xe và đảm bảo sao cho khối lượng riêng biểu kiến gv tuân thủ quy định tại Phụ lục II của Thông tư này”.

Thùng xe tải chở hàng cần tuân thủ về chiều cao và thể tích chứa bên trong theo Thông tư số 42/2014/TT-BGTVT, Điều 4

Thùng xe tải chở hàng cần tuân thủ về chiều cao và thể tích chứa bên trong theo Thông tư số 42/2014/TT-BGTVT, Điều 4

Thể tích chứa hàng của thùng xe xi téc

“a) Thể tích chứa hàng của thùng xe xi téc Vt (không tính đến thể tích của các cửa nạp hàng) được xác định theo các kích thước hình học bên trong của xi téc và không lớn hơn thể tích được xác định bằng khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông chia cho khối lượng riêng của loại hàng hóa chuyên chở nêu trong các tài liệu chuyên ngành hoặc theo trị số công bố của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Trường hợp hàng hóa chuyên chở có khối lượng riêng biến thiên trong dải trị số thì khối lượng riêng được ghi nhận theo giá trị trung bình của dải biến thiên.

b) Đối với xi téc chứa các loại khí hóa lỏng có khả năng giãn nở trong quá trình vận chuyển hoặc được nạp vào xi téc theo các điều kiện về áp suất và nhiệt độ nhất định thì thể tích chứa hàng được xác định như sau: Vt = 0,9 Vhh (trong đó Vhh là thể tích xi téc được xác định theo các kích thước hình học bên trong của xi téc).

c) Trường hợp không có tài liệu giới thiệu tính năng và thông số kỹ thuật hoặc giữa trị số thể tích chứa hàng theo kết quả kiểm tra sai khác trên 10% so với tài liệu giới thiệu tính năng và thông số kỹ thuật của xe thì thể tích chứa hàng của xi téc được xác định bằng phương pháp đo kiểm thực tế.”

Lời kết

Qua bài viết trên, bạn đã biết quy định và các loại thùng xe tải được sử dụng phổ biến trên thị trường. Nếu có nhu cầu mua và tham khảo bảng giá xe Wuling, hãy liên hệ Công ty TNHH Ô tô TC Việt Nam để được tư vấn, hỗ trợ nhanh chóng!

Tags