Cách xử lý khi lái xe tải qua đường bùn lầy
Đường bùn lầy luôn là chướng ngại mà các tài xế không muốn đối mặt trên đường, nhất là với những điều khiển một phương tiện lớn như xe tải. Đường ngập bùn đất có thể làm cho xe bị trượt và bánh bị chôn trong vũng lầy. Nếu thường xuyên phải điều khiển xe tải di chuyển qua những đoạn đường này, tài xế buộc phải có những kỹ năng để vượt khó an toàn. Dưới đây là cách xử lý những tình huống khó mà chắc chắn bạn cần phải biết.
- Đi chậm ở số thấp
Điều đầu tiên và quan trọng nhất khi di chuyển trong đường bùn lầy là xe di chuyển ở số thấp, thường là số 1. Tốc độ của xe cũng cần được duy trì ở mức vừa phải, vì nếu đi nhanh, bánh xe sẽ có hiện tượng bị trơn, mất độ bám, và khiến tài xế không kịp xử lý các tình huống phát sinh.
- Không thốc ga mạnh
Nếu cảm thấy xe mất độ bám với đường, tài xế không nên đạp ga khi xe đang xuống dốc, và không giữ ga quá thấp khi xe đang lên dốc. Dậm chân ga mạnh, rời rạc và thiếu liền mạch sẽ khiến cho bánh xe quay nhanh và sẽ khiến xe càng lún sâu.
- Không đi theo vệt bánh xe phía trước
Nếu lái xe lên các đường dốc cao, tuyệt đối không đi theo các vệt bánh xe đã có từ trước. Nguyên nhân bởi đây là những khu vực sâu hơn và ướt hơn trên đường, đồng nghĩa rằng nguy cơ khiến bánh bị trượt cũng trở nên cao hơn.
- Hạn chế dùng phanh một cách tối đa
Dù là lên dốc hay xuống dốc trên những đoạn đường bùn lầy, các tài xế cũng nên hạn chế tối đa dùng phanh. Dù hiện tại các xe tải có thể đã được trang bị ABS (hệ thống chống bó cứng phanh), nhưng khi đi trên đường trơn, xe vẫn có thể bị trượt đi một cách thiếu kiểm soát. Tình huống này sẽ dễ dẫn đến việc tài xế lại nhồi ga mạnh. Chính vì vậy, nếu muốn giảm tốc, người điều khiển xe nên trả về số thấp hơn để phanh động cơ một cách gián tiếp.
Trong trường hợp buộc phải sử dụng phanh, hãy nhấn chân phanh từ từ, nhấp nhả linh hoạt (giống như nguyên lý hoạt động của hệ thống ABS).
- Đánh lái vô lăng hợp lý
Nếu đi trên đường dốc, cảm thấy bánh xe có xu hướng bị trượt và bắt đầu chệch ra khỏi làn đường, hãy cố gắng đánh vô lăng vào bên trong làn và dùng phanh để dừng. Nếu xe ở tình trạng khó dừng thì hãy duy trì tốc độ vừa phải và đánh lái để bánh xe không lăn ra ngoài.
- Sử dụng lốp mềm
Với những tuyến đường bê tông hoặc nhựa, lốp xe cần phải đạt đủ cân nặng và đủ căng để chở hàng một cách thuận tiện. Tuy nhiên, với đường nhiều bùn lầy, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Việc lốp xe non hơn bình thường là hợp lý hơn, bởi nó làm tăng ma sát và giúp xe bám đường hơn, từ đó xe cũng dễ di chuyển hơn. Nếu đã biết trước hoặc dự báo sẽ đi vào con đường lầy lội, hãy chủ động tháo bớt hơi của lốp xe.
- Xử lý khi bánh bị kẹt trong bùn
Nếu bánh xe đã nằm trong bùn thì cần trả cần số về số 0, hạ phanh tay và ra khỏi xe để kiểm tra. Sau đó, tùy vào độ lún của bánh, lái xe sẽ đưa ra các cách xử lý tình huống khác nhau. Nếu các bánh lún không quá sâu, tài xế có thể lót gỗ, sỏi, rơm rạ vào bánh để bánh dễ di chuyển. Việc làm này giúp cho bánh có thêm ma sát và có thể vượt qua được bãi sình.
Trong trường hợp bánh lún quá sâu, người điều khiển phương tiện nên gọi cứu hộ càng sớm càng tốt để hành trình không bị gián đoạn.
Quý độc giả có thể theo dõi và cập nhật thêm các thông tin liên quan đến hướng dẫn lái xe an toàn tại wuling.com.vn